Hành trình thần tốc làm ‘điều không thể’
13/05/2025
Dự án NCP (NVIDIA Cloud Partner) mở ra bằng hành trình kép: xây dựng hai FPT AI Factory tại Việt Nam và Nhật Bản. Đội ngũ nhân viên nhà FPT Smart Cloud – Những người không ngại đi tới tận cùng nỗ lực, đây như một cuộc marathon không bảng điểm – Nơi người chạy không đối đầu ai khác, chỉ đối thoại với chính mình, băng qua giới hạn và vẽ lại đường chân trời của những điều tưởng chừng bất khả.
Nhật Bản đầu năm 2025, trời buốt lạnh, tuyết rơi dày.
Một nhóm gồm 5 người – đa phần lần đầu làm việc (onsite) tại đây, người hai tay xách đầy túi to nhỏ, người vác trên vai, cõng trên lưng thùng hàng. Dưới thời tiết khắc nghiệt, những bước chân vẫn thẳng tiến tới trung tâm dữ liệu. Họ là những kỹ sư công nghệ của FPT Smart Cloud.
Không chiếc taxi nào nhận cuốc. Cũng chẳng ai kịp chuẩn bị ô. Chỉ có áo khoác thật dày, họ bước đi trong tiết trời buốt giá, trên tay là vật phẩm, đồ dùng giúp giảm va đập vừa mua vội ở siêu thị. Quãng đường 2 km dài thêm vì gió thổi như hàng ngàn mũi kim châm vào mặt, cóng lạnh cả hai tay.
“Anh em cứ đi về Data Center với quyết tâm thôi” – anh Đoàn Trọng Dũng nhớ lại.
Đến Data Center, họ nhanh chóng gia cố phần hành lang, thang máy, các góc cạnh trên tường… để tránh va chạm cho thiết bị trong quá trình nhập kho. Sẽ lại là một đêm OT trong hàng chục đêm OT cho dự án kéo dài 3 tháng.
Cùng thời khắc ấy, ở Việt Nam, người người đang dọn nhà, quây quần đón Tết. Đội ngũ onsite ai cũng nhớ nhà, nhưng điều họ nhớ hơn cả là lời hứa ngày ra đi: dự án, nhất định phải về đích đúng hạn.
Ngay từ những ngày đầu, FPT AI Factory đã là một bài toán khổng lồ. Chưa ai biết chính xác điểm xuất phát, càng chưa rõ quy mô sẽ vươn xa tới đâu. Công nghệ còn quá mới, độ phức tạp vượt xa mọi hệ thống từng được triển khai. Nhưng có một điều ai cũng chắc chắn: đây sẽ là bước đệm quan trọng để FPT tiến gần hơn tới giấc mơ làm chủ AI.
“Lúc nhận nhiệm vụ, thực lòng tôi chưa hoàn toàn tự tin. Với NVIDIA, hạ tầng AI đã quen thuộc, nhưng với Việt Nam và cả thế giới, đây vẫn là một điều lạ lẫm”, anh Đoàn Trọng Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Vận hành Cloud – chia sẻ. “Chúng tôi lên đường chỉ với một hành trang: niềm tin vào nhau, và khát vọng được góp sức cho FPT, cho đất nước”.
Từ những kinh nghiệm triển khai dự án tại Việt Nam, Tập đoàn giao cho đơn vị bài toán khó hơn: hoàn thành FPT AI Factory tại Nhật Bản trong 3 tháng. Không kịp nghỉ tay, anh em lại khăn gói lên đường sang Nhật Bản. Lần này, độ khó đã tăng gấp bội phần.
Để một nhà máy AI vận hành là cả hành trình dài: nghiên cứu, vẽ thiết kế, xin giấy phép, nhập kho, cấu hình, thử nghiệm. FPT chịu trách nhiệm phần cứng, NVIDIA đảm nhiệm phần mềm, cùng hàng trăm đầu việc bên lề. Tất cả phải phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ đến từng chi tiết nhỏ.
Khối lượng thiết bị khổng lồ khiến mọi khâu – từ tiếp nhận, kiểm tra cho đến nghiệm thu – đều trở thành một bài toán hóc búa. Hàng trăm thiết bị, hàng nghìn chip GPU HGX H200, hơn 2.000 sợi cáp, hơn 1.500 module… Mỗi chi tiết đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng ngay từ bản vẽ, từ giấy tờ đến lúc hàng về tận nơi. Để tất cả vận hành trơn tru tại Data Center là nỗ lực phối hợp phức tạp, trải dài giữa đội ngũ tại Việt Nam và các đối tác toàn cầu: từ NVIDIA, trung tâm dữ liệu tại Nhật, đơn vị triển khai đến nhà cung cấp thiết bị, dây cáp…
Khó khăn muôn trùng là vậy, nhưng “FPT cần thì mình đi!”. Nguyễn Năng Đức – kỹ sư sinh năm 2002 – đã quyết định lên đường không chút do dự, dù đây là lần đầu tiên anh đặt chân ra nước ngoài. Đức là kỹ sư trẻ nhất trong dự án. “Chúng tôi chọn những người không dễ bỏ cuộc. Chỉ cần một mắt xích chùn bước, cả tập thể sẽ bị ảnh hưởng tinh thần”, anh Đoàn Trọng Dũng chia sẻ về quyết định lựa chọn nhân sự cho hành trình đặc biệt này.
Và thế là họ – những người FCIers – lại tiếp tục bước đi, trên một hành trình không có bản đồ định sẵn. Giữa làn sương mù của công nghệ mới, áp lực thời gian và muôn vàn biến số, mỗi người đều phải tự vạch ra con đường cho riêng mình. Nhưng chính trong sự mông lung ấy, một giấc mơ lớn đang dần thành hình – giấc mơ chứng minh năng lực công nghệ của FPT, và trí tuệ của người Việt Nam trên sân chơi toàn cầu.
Những ngày đầu đặt chân tới Nhật Bản, rào cản lớn nhất không phải công nghệ mà là ngôn ngữ. Dù đã được “nhồi” học cấp tốc trước khi đi, anh em vẫn hay trêu nhau rằng vốn tiếng Nhật của mình chỉ gói gọn trong mấy câu “xin chào”, “cảm ơn” hay những lời xã giao thông dụng.
FPT cử một comtor – phiên dịch chuyên ngành CNTT – từ nhà Phần mềm sang hỗ trợ. Nhưng với khối lượng công việc khổng lồ của siêu dự án, một người là quá ít. Nhiều lúc gấp gáp, anh em phải cầu viện đến Google Translate để “chữa cháy” tức thời, bất kể độ chính xác đến đâu.
Bên cạnh ngôn ngữ, văn hoá làm việc cũng là một thử thách lớn. “Văn hóa Nhật rất khuôn mẫu, cực kỳ cẩn trọng và đề cao quy trình”, anh Đoàn Trọng Dũng kể lại. Trong khi đó, FPT AI Factory lại đòi hỏi tốc độ và khả năng linh hoạt cao để đáp ứng deadline gắt gao. Vậy mà nhà cung cấp địa phương, nhà triển khai đều yêu cầu bám sát quy trình từng bước một, không có chỗ cho tùy biến.
Nhân sự cũng là một bài toán nan giải. Đội ngũ Cloud được điều động triển khai AI, nhưng đồng thời vẫn phải duy trì vận hành các hệ thống Cloud cho khách hàng từ xa. Có khi đang chạy dự án tại Nhật, phía khách hàng lại gọi khẩn yêu cầu hỗ trợ. Anh em lập tức phải xoay xở, phân công, gồng gánh.
“Khối lượng công việc là cực đại. Mỗi phút giây đều là một cuộc đua với thời gian và áp lực”, PM dự án chia sẻ. “Và để có thể chạy được đến cuối đường, anh em đã hy sinh rất nhiều”.
Suốt nhiều tuần, nhà máy AI gần như trở thành ngôi nhà thứ hai của đội dự án. Từ 9h sáng đến 9h tối, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, họ miệt mài bên thiết bị và bản vẽ. Sáng sớm, đội onsite ngắn hạn lại lặng lẽ cuốc bộ hơn 1 km trong cái lạnh cắt da. Tối về, bóng họ lững thững khuất dần dưới ánh đèn đường. Còn đội onsite dài hạn phải vượt ba chặng đường: từ nhà đến ga, từ ga đến điểm trung chuyển, rồi lại đi bộ tiếp đến Data Center. Có hôm trời đổ mưa tuyết, không ai kịp mang ô, tuyết quất thẳng vào mặt, ai nấy cắn răng sải bước nhanh, bụng đói cồn cào, đầu óc căng thẳng đến rã rời.
“Thức ăn không hợp vị, anh em không có thời gian nấu nướng, về nhà lại ăn tạm gói mì, uống hộp sữa”, kỹ sư Nguyễn Văn Lâm kể. Khác biệt văn hoá làm việc càng khiến hành trình thêm nhiều va vấp. Nhà cung cấp và đội bản địa hầu như không có khái niệm OT – sau 17h30, việc liên lạc gần như bất khả thi. Nhưng những người FPT, mang trong mình khát vọng làm chủ AI, thì trong đầu chỉ có một điều: công việc. Như cách kỹ sư Nguyễn Năng Đức nói đầy tự hào: “Chúng tôi say mê với nó”.
Thế nhưng, niềm say mê ấy không ít lần bị thử thách dữ dội. Khoảng giữa tháng 2, cao điểm trong giai đoạn triển khai, hàng loạt lỗi phần cứng xảy ra lặp đi lặp lại, tỉ lệ lên tới 80%. Có tới 5 thiết bị gặp lỗi chưa từng xuất hiện, phía NVIDIA cũng không thể xác định nguyên nhân ngay lập tức.
“Mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát của nhóm onsite”, Đức nhớ lại. “Các lãnh đạo và anh Dũng phải liên tục báo cáo lên các cấp cao hơn để NVIDIA xử lý khẩn cấp”.
Đó chỉ là một trong hàng trăm sự cố mà họ từng đối mặt. Không thể nhớ hết từng sự vụ, từng mã lỗi – chỉ biết rằng, trong guồng quay khốc liệt ấy, thời gian là thứ không thể để trôi đi vô ích. “Phải xử lý cho nhanh, quyết liệt, thần tốc thì mới có thể triển khai tiếp”, Đức nói. Mỗi phút giây đều là một trận chiến – và họ, những người FPT, chưa từng lùi bước.
Phần lớn anh em trong đội lần đầu đi onsite, tiếng Nhật còn bập bõm, lại sang đúng dịp Tết – cái Tết đầu tiên xa nhà, giữa trời lạnh buốt, nỗi nhớ cứ len lỏi từng đêm trắng không ngủ. Nhưng thay vì để nỗi buồn vây kín, cả đội đã tự tổ chức một buổi tất niên ấm cúng. Mâm cơm giản dị, câu chuyện rôm rả, tiếng cười lấp đầy khoảng trống của những ngày không có gia đình bên cạnh.
Tinh thần đồng đội – ấm và vững như một ngọn lửa – đã sưởi ấm cả hành trình còn ngổn ngang phía trước. Và ngay chính trong thời điểm đó, giữa bao điều chưa chắc chắn, chưa có gì bảo chứng cho thành công, một điều lại trở nên rất rõ ràng: FPT sẽ không lùi bước.
Biết anh em áp lực, mệt mỏi, anh Dũng – người dẫn dắt đội – thường thủ thỉ mỗi ngày: “Giai đoạn này nhiều khó khăn, dự án lớn, mình là người đi tiên phong nên mỗi người chịu khó một chút”. Ai cũng hiểu: nếu mình không làm được – hoặc không làm đủ tốt – sẽ có đội khác thay thế. Ở đây, niềm tin không chỉ đến từ phía FPT, mà còn là cơ hội cho cả đội trong những chặng đường kế tiếp.
“Anh em OT suốt thôi, nhưng sẵn sàng lắm”, Nguyễn Năng Đức cười khi kể lại. “Tan ca là cùng nhau ra về, hỏi nhau tối ăn gì, công việc có vướng không, kể mấy chuyện tếu táo cho vui”. Cứ thế, họ đi bên nhau trong đêm lạnh, trên đầu tuyết trắng bay, nhưng trong lòng lại ấm áp.
Không ai phải nhắc ai, tất cả đều tự giác, sẵn lòng giúp đỡ nhau. Anh Phan Hồng Tâm – Giám đốc Khối Công nghệ Cloud, FPT Smart Cloud – sang onsite 2 tuần, làm từ việc lớn đến nhỏ, đi nhận hàng, bê lên kho, xắn tay áo lắp từng dây cáp, từng thiết bị, thậm chí phân loại rác ở Data Center… Mọi việc không có trong tasklist, chưa một lần anh từ chối.
Suốt hành trình triển khai, đội dự án không hề đơn độc. Từng chặng đường di chuyển đều được tính toán kỹ lưỡng, phương tiện được chuẩn bị chu đáo. Bộ phận Mua sắm liên tục cập nhật lịch hàng, lộ trình vận chuyển, để cả đội chủ động xây dựng kịch bản nếu có tình huống phát sinh. Đồng đội từ nhà Phần mềm tại Nhật tận tình lo liệu chuyện ăn uống, tìm ga tàu thuận tiện, thuê nhà, khách sạn ở khu vực phù hợp gần nơi làm việc. “Chúng tôi là những người mới tinh ở Nhật, nhưng được hỗ trợ nhiều nên vững tâm hơn hẳn”, anh Đoàn Trọng Dũng đầy biết ơn.
Giữa ngổn ngang công việc, có những khoảnh khắc anh em bỗng lặng đi, chợt nhớ ra quê nhà đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Những cuộc gọi động viên từ gia đình, đồng đội, hay lãnh đạo như tiếp thêm năng lượng, xoa dịu nỗi nhớ.
Thương anh em xa nhà, anh Nguyễn Ngọc Minh – Phó Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud – đích thân bay sang Nhật thăm đội. Chiều 30 Tết, anh có mặt tại Data Center, mang theo những lời chúc và sự sẻ chia. Trời bên ngoài đã tối đen, nhưng bên trong, không ai chịu rời tay khỏi công việc. Anh Minh phải “ra lệnh” tạm dừng để cả đội cùng đi ăn, cùng đón giao thừa xa xứ như một gia đình thực thụ.
Cùng lúc đó, anh em Phần mềm FPT tại Nhật tổ chức tất niên cũng không quên gọi đội FPT Smart Cloud “nhập mâm”. Câu chuyện Tết rôm rả nối nhau. Mỗi người một vùng quê, một ký ức, nhưng cùng nhau, bữa cơm đoàn viên bỗng trở nên đủ đầy.
NCP là một dự án hoàn toàn mới với công nghệ, quy trình và cả địa bàn triển khai đều khác biệt. GPU H200 có tốc độ xử lý vượt trội, đạt mức 100x, gần gấp 20 lần so với các hệ thống trước đây. Triển khai tại nước ngoài, lại trong khung thời gian chỉ 3 tháng, bài toán đặt ra cho đội dự án không chỉ là “hoàn thành”, mà phải “hoàn thành thần tốc”.
Mang theo những kinh nghiệm “xương máu” từ FPT AI Factory tại Việt Nam, anh em bước vào dự án tại Nhật với tâm thế sẵn sàng hơn. Những lỗi từng gặp được ghi chép cẩn thận, quy trình xử lý được lập trình hóa. Nhờ vậy, khi sự cố xuất hiện, đội không mất thời gian loay hoay tìm hướng mà lập tức triển khai phương án xử lý, gọn và nhanh.
Không chỉ dự phòng rủi ro, đội còn chủ động xây dựng nhiều kịch bản ứng phó. “Nếu phương án A trục trặc, lập tức chuyển sang B, tuyệt đối không được chậm dù chỉ một phút”, anh Đoàn Trọng Dũng nói. Với anh, bài học từ dự án tại Việt Nam chính là hành trang sống còn cho cuộc đua tốc độ lần này.
Giữa không gian Data Center nơi chỉ có tiếng rì rầm của máy móc, anh em đã “cắm rễ” trong âm thầm, bền bỉ, không một lời than vãn. Nếu ở Việt Nam, vào những thời điểm cam go nhất, anh em có thể ngủ lại để canh thiết bị; thì ở Nhật, quy định không cho phép làm vậy. Điều đó càng buộc cả đội phải tập trung gấp đôi trong khoảng thời gian được phép, từng giờ, từng phút đều được tận dụng đến tối đa.
“Có lẽ chính ý chí và khát vọng khẳng định trí tuệ Việt đã tiếp thêm sức mạnh,” anh Nguyễn Văn Lâm trải lòng. “Chúng tôi không làm bằng 100% sức, mà là 200%”.
Nguyễn Năng Đức say sưa với dự án đến mức quên ăn, quên ngủ – toàn bộ tâm trí chỉ dành cho mục tiêu hoàn thành AI Factory tại Nhật Bản. “Không chỉ mình tôi, tinh thần của anh em lúc nào cũng hừng hực”, Đức nói.
Và bằng tất cả nỗ lực ấy, dự án đã cán đích sớm hơn tận ba tuần – một kết quả không ai dám mơ từ ngày đầu khởi động. Ở một đất nước như Nhật Bản, nơi mọi thứ đều phải đúng quy trình, đúng mô hình, mọi điều chỉnh đều cần thời gian và sự chấp thuận khắt khe, việc rút ngắn được tới ba tuần là một kỳ tích. “Đây là thành quả quá đỗi tự hào, không chỉ của đội onsite, mà còn là công sức thầm lặng của tất cả những người ở tuyến sau”, anh Nguyễn Văn Lâm bày tỏ.
Ngày 6/3, NVIDIA chính thức gửi thông báo: FPT AI Factory tại Nhật Bản đã hoàn chỉnh toàn bộ hạ tầng triển khai. Trong khoảnh khắc ấy, anh Đoàn Trọng Dũng không giấu được xúc động. Những đồng đội mà anh tin tưởng trao gửi trọng trách đã đưa dự án về đích sớm hơn cả kỳ vọng. “Từng có lúc nghĩ sẽ không làm được, nhưng anh em làm tốt đến không tưởng. Cảm giác ấy thật khó tả”.
Nhưng niềm vui ấy không kéo dài trong sự thỏa mãn. Bởi ngay sau nụ cười chiến thắng, những câu hỏi lớn bắt đầu hiện ra: Làm sao để vận hành một hệ thống toàn cầu? Làm sao để đạt chuẩn world-class giữa những khác biệt về văn hoá, quy trình, tư duy của từng quốc gia? Làm sao để liên tục phát triển sản phẩm mới, cung cấp cho khách hàng? Dự án hoàn tất, nhưng hành trình làm chủ công nghệ, đưa AI “ra thế giới” chỉ mới bắt đầu.
Với kỹ sư trẻ Nguyễn Năng Đức, đó không chỉ là một dấu mốc, mà là bước khởi đầu cho cả hành trình trưởng thành. “Được làm cái mới là vinh dự. Được học bằng thực tế, thực hành bằng mồ hôi và trải nghiệm, là điều may mắn”, Đức nói, ánh mắt sáng lên sau chặng đua đầu đời đầy thách thức.
Còn với anh Nguyễn Văn Lâm, NCP là siêu dự án đầu tiên, nhưng chắc chắn không phải cuối cùng. “Phía sau còn rất nhiều dự án lớn hơn nữa. Đây mới chỉ là bước đầu cho hành trình dài phía trước”, anh tự tin, nhưng đầy tỉnh táo. Hành trình marathon của FPT AI Factory đã có chặng mở đầu ấn tượng.
Vẫn đội ngũ ấy, sau một đêm OT như bao đêm khác. Giữa khung cảnh mùa xuân của đất nước mặt trời mọc, ánh sáng đầu ngày len qua cửa kính Data Center, chiếu lên những gương mặt còn phảng phất dấu vết của mệt mỏi, nhưng ánh mắt thì bừng lên niềm tự hào lặng lẽ. Đó là bình minh của thiên nhiên, cũng là bình minh cho FPT AI Factory, được đánh dấu bởi sự bền bỉ, kỷ luật và khát vọng không ngơi nghỉ.
Bình minh ấy là phần thưởng cho những đêm trắng, là khởi đầu cho một hành trình mới – nơi giấc mơ làm chủ AI không còn là ý niệm xa vời, mà dần trở thành điều hữu hình, khả thi, đang được hiện thực hóa từng ngày bởi chính những người FPT.
Theo Chungta.vn